Lượt xem: 527

Phát triển ngành nghề nông thôn đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới

Nhằm chung sức thi đua thực hiện các giải pháp đột phá về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1417/QĐ-UBND ngày 30/5/2022 về việc ban hành Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó chỉ tiêu 13.4 về phát triển kinh tế nông thôn nêu rõ vai trò của việc phát triển ngành nghề nông thôn trong việc xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Trên cơ sở này, hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển các ngành nghề hiện có tại địa phương, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo yêu cầu đề ra.

 


HTX mây tre đan đát Thủy Tuyết, xã Phú Tân, huyện Châu

 

    Từ bao đời nay, ngành nghề đan đát các vật dụng làm từ tre nứa được xem là sinh kế chủ yếu của rất nhiều lao động nông thôn ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành. Tuy nhiên, thay vì bó hẹp theo từng nông hộ nhỏ lẻ, nhờ sự khuyến khích, vận động của chính quyền địa phương, ngành nghề đã có bước phát triển mới thông qua việc liên kết sản xuất và tiêu thụ theo mô hình hợp tác khi hình thành được Hợp tác xã Mây tre đan đát Thủy Tuyết. Hiện Hợp tác xã (HTX) đã phát triển được trên 300 mặt hàng với lượng đơn đặt hàng tiêu thụ ổn định tại nhiều tỉnh, thành lân cận. Ngoài giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, HTX còn giữ vai trò cầu nối trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đan đát từ những cơ sở khác trên địa bàn tỉnh.

    Từ tín hiệu vui trong việc “vực dậy” ngành nghề truyền thống của địa phương, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, triển khai thêm nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển thông qua việc tổ chức các lớp dạy nghề, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia chương trình OCOP đối với một số sản phẩm đặc trưng… Qua đó, vừa góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, vừa thúc đẩy tiến trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao tại Phú Tân, sớm đưa Châu Thành hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo kế hoạch đề ra. Đồng chí Võ Minh Luân – Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết: “Đối với huyện Châu Thành, ngoài lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thì việc duy trì và phát triển các ngành nghề nông thôn cũng được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo. Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng tham mưu UBND huyện các giải pháp để phát triển làng nghề đan đát ở Phú Tân. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng phối hợp với HTX Mây tre đan đát Thủy Tuyết xây dựng lại thương hiệu, và sắp tới sẽ tiến đến hình thành các sản phẩm OCOP. Để những sản phẩm này được mã hóa để quản lý; cung cấp những thông tin về sản phẩm để giúp cơ sở này cũng như làng nghề đan đát của Phú Tân quảng bá sản phẩm đi xa hơn. Qua đó, có thêm cơ hội kết nối với các cơ sở thu mua cũng như các nơi có nhu cầu ngoài tỉnh”.

    Là một huyện thuần nông có nhiều địa phương thuộc địa hình trũng thấp, thay vì trồng lúa hay chuyển đổi sang canh tác mía, một số xã trên địa bàn huyện Mỹ Tú còn duy trì bền vững diện tích trồng cây bồn bồn. Diện tích trồng bồn bồn tại huyện Mỹ Tú hiện đã phát triển được khoảng 80 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Mỹ Tú, Mỹ Thuận và một phần thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa. Để nâng cao giá trị gia tăng cho cây trồng gắn bó bao đời trên vùng đất trũng phèn, ngoài tiêu thụ theo hình thức bán bồn bồn tươi, nông dân Mỹ Tú hiện đã thực hiện quy trình sơ chế, chế biến để hình thành sản phẩm dưa bồn bồn chua ngọt. Hiện nay sản phẩm cũng đã hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục tham gia đánh giá, xếp hạng Chương trình OCOP vào cuối năm nay. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang tích cực phối hợp cùng các địa phương thống kê chính xác diện tích canh tác, từ đó có sự đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật, hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đây cũng là cơ sở để từng bước phát triển vùng trồng thành một ngành nghề đặc trưng của huyện. Đồng chí Nguyễn Thanh Điền – Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Chúng tôi sẽ rà soát, quy hoạch, hỗ trợ về trang thiết bị cũng như máy móc để bà con áp dụng vào sản xuất, giúp cây bồn bồn bảo quản được lâu hơn. Bên cạnh đó, khuyến khích bà con sản xuất theo hướng an toàn, hạn chế sử dụng thuốc hóa học. Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm phát triển chuỗi sản xuất, kết nối đầu ra cho sản phẩm...” .

    Mặc dù có sự phát triển đa dạng, nhưng thách thức đặt ra đối với việc phát triển ngành nghề nông thôn tại tỉnh là: Các cơ sở ngành nghề có quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, theo thời vụ chủ yếu là kinh tế hộ; thu nhập từ nghề của các cơ sở ngành nghề chưa cao; thiếu vốn sản xuất; công nghệ sản xuất thô sơ, lạc hậu chủ yếu sản xuất theo thủ công; chi phí sản xuất cao; năng lực tổ chức quản lý của các cơ sở sản xuất kinh doanh còn nhiều bất cập. Nhiều sản phẩm hàng hóa của các cơ sở ngành nghề chưa có nhãn hiệu - thương hiệu và chất lượng sản phẩm chưa cao, chủ yếu chỉ tiêu thụ tại địa phương và trong tỉnh. Trong bối cảnh này, việc ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới liên quan chỉ tiêu ngành nghề nông thôn đã góp phần định hình để từng địa phương xây dựng những giải pháp bài bản hơn, nhằm duy trì và phát huy tốt những giá trị kinh tế cũng như giá trị văn hóa đặc trưng của từng ngành nghề hiện có. Đồng chí Nguyễn Thị Mộng Tuyền - Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Trong thời gian tới, để các ngành nghề nông thôn của tỉnh tiếp tục phát triển, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của ngành nghề nông thôn. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Phát triển ngành nghề nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với phát triển kinh tế tập thể; liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ”.

    Là địa phương có sự giao thoa của cả 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa,  ngành nghề nông thôn tại Sóc Trăng vì thế không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con khu vực nông thôn mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa, đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh nhà thông qua việc phát triển sản phẩm OCOP từ các ngành nghề, làng nghề; hình thành các điểm tham quan ngành nghề, làng nghề khi được kết hợp từ các tour, tuyến du lịch. Quan trọng là đáp ứng đúng yêu cầu đã đề ra trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở giai đoạn mới.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 61
  • Hôm nay: 7355
  • Trong tuần: 78,062
  • Tất cả: 11,801,382